Business

Khai Thuế Ở Mỹ: Hướng Dẫn Khai Thuế 2025

Ly Mai
April 20, 2025

Những Điểm Chính Của Bài Viết

  • Từ thuế thu nhập cá nhân, thuế từ đầu tư đến thuế tự doanh – mỗi loại thuế có quy định và cách tính khác nhau. Biết mình thuộc diện nào và khai đúng sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền và tránh rắc rối pháp lý.
  • Việc khai thuế ở Mỹ đòi hỏi chuẩn bị kỹ lưỡng từ các biểu mẫu W-2, 1099 đến thông tin khấu trừ thuế. Đặc biệt, ghi nhớ hạn chót nộp hồ sơ là 04/15/2025 để tránh bị phạt.
  • Bạn có thể tự khai bằng phần mềm, dùng IRS Free File nếu đủ điều kiện, hoặc nhờ chuyên gia hỗ trợ nếu hồ sơ phức tạp. Quan trọng là chọn cách phù hợp nhất để đảm bảo hồ sơ chính xác và nhanh chóng.
Khai thuế ở Mỹ

Nâng cấp tư duy tài chính – Làm chủ tiền bạc ngay hôm nay với lớp Money Skills của Evan Coaching!

Thuế Ở Mỹ Là Gì?

Hiểu một cách đơn giản, thuế là khoản tiền mà cá nhân và doanh nghiệp nộp cho chính phủ để duy trì hoạt động của xã hội. 

Chính phủ dùng tiền thuế để chi cho những dịch vụ công cộng như trường học, đường sá, bệnh viện, các chương trình như An sinh xã hội (Social Security) và Medicare. Việc khai thuế ở Mỹ (file taxes in the U.S.) là cách bạn báo cáo thu nhập và thực hiện nghĩa vụ tài chính với chính phủ.

Ở Mỹ, cả cá nhân lẫn doanh nghiệp đều phải đóng thuế – từ cấp liên bang (federal) đến tiểu bang (state) và địa phương (local). Tùy vào tình huống mà bạn có thể phải chịu nhiều loại thuế khác nhau, mỗi loại đều có mục đích riêng.

Gánh nặng thuế (tax burden) ở Mỹ thấp hơn so với hầu hết các quốc gia phát triển khác. Nguồn: Peterson Foundation

Các Loại Thuế Ở Mỹ

Thuế thu nhập cá nhân (Income Tax)

Ở Mỹ, thuế thu nhập là loại thuế bạn phải đóng cho chính phủ dựa trên các khoản thu nhập bạn kiếm được như: tiền lương, tiền công, lợi nhuận từ đầu tư, hay bất kỳ nguồn thu nhập nào khác. 

Đây là một trong những loại thuế ở Mỹ phổ biến nhất mà người dân phải khai báo hàng năm thông qua việc khai thuế ở Mỹ.

Tin tốt là bạn có thể giảm số tiền thuế phải nộp nhờ vào các khoản khấu trừ (deductions) như khấu trừ tiêu chuẩn (standard deduction), khấu trừ theo danh mục (itemized deductions) và các khoản tín dụng thuế (tax credits), tùy vào hoàn cảnh cụ thể của bạn.

Mỹ áp dụng hệ thống thuế thu nhập lũy tiến (progressive tax system). Điều này có nghĩa là ai có thu nhập càng cao thì càng phải đóng thuế với tỷ lệ phần trăm cao hơn (gọi là marginal tax rate – thuế suất biên). Ngược lại, người có thu nhập thấp thì đóng thuế ít hơn tính theo tỷ lệ.

Người có thu nhập cao phải trả thuế với tỷ lệ trung bình cao hơn nhiều so với người có thu nhập thấp. Nguồn: Tax Foundation

Ngoài mức thu nhập, tình trạng khai thuế (filing status) của bạn – ví dụ như độc thân (single), vợ chồng khai chung (married filing jointly), khai riêng (married filing separately), hay chủ hộ gia đình (head of household) – cũng ảnh hưởng đến số thuế bạn phải đóng. Mỗi tình trạng sẽ có mức khấu trừ và khung thuế khác nhau.

Lưu ý: Do tính chất lũy tiến của hệ thống thuế, thuế suất biên không phải là tỷ lệ bạn phải trả trên toàn bộ thu nhập. Thuế thực tế bạn đóng (effective tax rate) thường thấp hơn vì chỉ phần thu nhập vượt qua một mức nhất định mới bị đánh thuế cao hơn.

Lấy ví dụ như:

Giả sử cả John và Jane đều độc thân, John có thu nhập chịu thuế là $100,000 còn Jane là $200,000 (sau khi đã trừ các khoản khấu trừ hợp lệ).

  • John sẽ phải đóng tổng cộng $17,053 thuế thu nhập liên bang, tương đương mức thuế thực tế là 17%.
  • Jane sẽ phải đóng $41,687, tức là mức thuế thực tế của cô là 21%.

Lý do là vì thu nhập của họ được chia ra và đánh thuế theo từng bậc:

Ví dụ với John:

  • $11,600 đầu tiên bị đánh thuế 10% → $1,160
  • $11,601 – $47,150 bị đánh thuế 12% → $4,266
  • $47,151 – $100,000 bị đánh thuế 22% → $11,627

➜ Tổng cộng: $17,053

Với Jane:

  • $11,600 đầu tiên: 10% → $1,160
  • $11,601 – $47,150: 12% → $4,266
  • $47,151 – $100,525: 22% → $11,743
  • $100,526 – $191,950: 24% → $21,942
  • $191,951 – $200,000: 32% → $2,576

➜ Tổng cộng: $41,687

Thuế thu nhập từ vốn (Capital Gains Tax)

Thuế này áp dụng khi bạn bán các tài sản đầu tư như địa ốc, cổ phiếu,... và thu được lợi nhuận (gọi là capital gains). Khi giao dịch hoàn tất và có lãi, phần lãi này sẽ được tính vào hồ sơ khai thuế ở Mỹ.

Có 2 loại:

  • Thu nhập từ vốn dài hạn (long-term capital gains): áp dụng khi bạn giữ tài sản đầu tư hơn 1 năm. Mức thuế sẽ là 0%, 15%, hoặc 20% tùy vào tổng thu nhập.
  • Thu nhập từ vốn ngắn hạn (short-term): tài sản giữ dưới 1 năm. Lúc này, phần lợi nhuận bị đánh thuế giống như thu nhập thường, nên thường bị tính ở mức cao hơn.

Vì vậy, nếu phù hợp với chiến lược đầu tư của bạn, giữ tài sản đầu tư lâu hơn 1 năm có thể giúp bạn tiết kiệm được đáng kể khi khai thuế ở Mỹ.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (Corporate Income Tax)

Loại thuế này được áp dụng với thu nhập của các doanh nghiệp (corporations). Kể từ năm 2017, mức thuế doanh nghiệp liên bang là 21%.

Ngoài ra, theo Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 (Inflation Reduction Act), các tập đoàn lớn có thu nhập trung bình trên $1 tỷ/năm có thể phải chịu Thuế tối thiểu thay thế cho doanh nghiệp (Corporate Alternative Minimum Tax – CAMT) ở mức 15%.

Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mỹ khác biệt đáng kể giữa các bang, dao động từ 2.25% đến 11.5%, có bang không yêu cầu. Nguồn: Tax Foundation

Thuế tiền lương (Payroll Tax)

Thuế tiền lương là loại thuế ở Mỹ được tính trên lương và tiền công của người lao động. Khoản thuế này được dùng để tài trợ cho các chương trình An sinh xã hội (Social Security – gồm bảo hiểm tuổi già, người sống sót và người khuyết tật) và Medicare (bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi).

Ở Mỹ, người lao động sẽ thấy khoản này được khấu trừ trực tiếp từ lương. Trong năm 2024, nhân viên phải đóng:

  • 6,2% vào An sinh xã hội (cho phần thu nhập đầu tiên lên tới $168.600)
  • 1,45% vào Medicare cho toàn bộ thu nhập.

Sang năm 2025, giới hạn thu nhập chịu thuế An sinh xã hội tăng lên $176,100.

Ngoài ra, người chủ lao động cũng đóng cùng mức 6,2% cho An sinh xã hội và 1,45% cho Medicare. Tổng cộng, chính phủ thu được 12,4% cho An sinh xã hội từ cả hai phía.

Người có thu nhập cao (trên $200,000/năm) sẽ phải đóng thêm 0,9% vào Medicare (gọi là Additional Medicare Tax).

Thuế tự doanh (Self-Employment Tax)

Nếu bạn tự kinh doanh, bạn vẫn phải đóng các khoản thuế này thông qua Self-Employment Tax. Mức thuế này là 15,3%, gồm:

  • 12,4% cho An sinh xã hội,
  • 2,9% cho Medicare.

Lý do là vì người tự doanh vừa là nhân viên vừa là chủ doanh nghiệp, nên họ phải đóng cả hai phần. Tuy nhiên, phần thuế của “chủ doanh nghiệp” được tính là chi phí và có thể được khấu trừ khi khai thuế ở Mỹ.

Thuế nhà ở Mỹ (Property Tax)

Thuế nhà ở Mỹ là loại thuế dựa trên giá trị đánh giá của tài sản – bao gồm đất và nhà ở trên đó. Mức thuế này do chính quyền địa phương thu, thường được tính bằng:

Cách tính thuế nhà ở Mỹ. Nguồn: wikiHow

Thuế tài sản cá nhân hữu hình (Personal Property Tax)

Tại một số bang, ngoài thuế địa ốc, còn có thuế tài sản cá nhân hữu hình (Tangible Personal Property – TPP). Loại thuế này áp dụng cho các vật dụng như xe hơi, thuyền, đồ trang sức.

Thuế bán hàng (Sales Tax)

Đây là loại thuế đánh vào mua sắm bán lẻ. Khi bạn mua hàng, thuế sẽ được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của tổng hóa đơn và được cộng vào lúc thanh toán.

Mỗi bang có mức thuế bán hàng riêng, ví dụ như Delaware không có thuế bán hàng, trong khi California có mức cao nhất: 7,25%.

Ngoài ra, một số thành phố còn áp thêm thuế địa phương, làm tổng mức thuế bạn phải trả khi mua hàng tăng lên. Dẫu vậy, có những mặt hàng được miễn thuế bán hàng (ví dụ như thực phẩm hoặc thuốc men), nhưng điều này tùy từng bang.

Thuế quan (Tariffs)

Thuế quan là thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Mục đích của nó là:

  • khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu,
  • bảo vệ ngành công nghiệp trong nước,
  • hoặc dùng trong các biện pháp trả đũa thương mại.

Các loại thuế quan gồm:

  • Thuế quan theo giá trị (Ad valorem): đánh theo phần trăm giá trị món hàng.
  • Thuế quan cụ thể (Specific duty): đánh theo số tiền cụ thể trên mỗi đơn vị hàng hóa.
  • Hạn ngạch thuế quan (Tariff-rate quota): sau khi vượt một mức nhập khẩu nhất định, thuế sẽ tăng cao hơn.

Thuế tài sản (Estate Tax)

Đây là loại thuế liên bang đánh vào tài sản để lại sau khi một người qua đời, nếu giá trị tài sản vượt mức giới hạn miễn trừ.

Khác với thuế thừa kế (inheritance tax), thuế tài sản được áp dụng trước khi tài sản được chia cho người thừa kế. Năm 2024, ngưỡng miễn trừ là $13,610,000, và năm 2025 là $13,990,000. Nếu tổng giá trị tài sản vượt ngưỡng này, phần vượt sẽ bị đánh thuế.

Ví dụ: Nếu một người qua đời để lại $15 triệu tài sản vào năm 2024, thì $1,39 triệu sẽ chịu thuế.

Lưu ý rằng, mức thuế tài sản liên bang là thuế lũy tiến, dao động từ 10% đến 37%. 

Một số bang cũng có thuế tài sản riêng, gồm Connecticut, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont, Washington và Quận Columbia.

Thuế thừa kế (Inheritance Tax)

Thuế thừa kế là thuế mà bạn phải đóng nếu bạn nhận được tài sản từ người đã mất – nhưng chỉ áp dụng ở một số bang.

Tính đến năm 2024, chỉ có 6 bang có thuế thừa kế:

  • Iowa (sẽ xóa bỏ vào 2025),
  • Kentucky
  • Maryland
  • Nebraska
  • New Jersey
  • Pennsylvania

Mỗi bang có cách tính thuế và mức miễn trừ khác nhau. Ví dụ, Kentucky và New Jersey có mức cao nhất là 16%.

Thuế Ở Mỹ Được Sử Dụng Để Làm Gì?

Khi bạn khai thuế ở Mỹ, số tiền thuế bạn đóng không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là đóng góp thiết thực vào các hoạt động của chính phủ. Thuế ở Mỹ được sử dụng để tài trợ cho nhiều chương trình và dịch vụ công, từ cấp liên bang đến cấp bang và địa phương. Dưới đây là một số lĩnh vực cụ thể:

Cấp liên bang (Federal level)

Chính phủ liên bang sử dụng thuế để chi trả cho các chương trình và dịch vụ sau:

  • An sinh xã hội (Social Security): Hỗ trợ tài chính cho người già, người khuyết tật và người sống sót của người lao động đã qua đời.
    Quốc phòng (Defense): Bao gồm chi tiêu cho quân đội và an ninh quốc gia.
  • Chăm sóc y tế: Các chương trình như Medicare (cho người từ 65 tuổi trở lên), Medicaid (cho người thu nhập thấp), CHIP (bảo hiểm cho trẻ em) và ACA (Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng).
  • Hỗ trợ kinh tế: Bao gồm Earned Income Tax Credit (khoản tín dụng thuế cho người thu nhập thấp) và Child Tax Credit (khoản tín dụng thuế cho người có con).
  • Phúc lợi cho cựu chiến binh và người nghỉ hưu làm việc cho chính phủ liên bang.
  • Chi trả lãi vay (interest on national debt) – khoản lãi phải trả cho các khoản vay trước đó của chính phủ.
  • Giáo dục, bao gồm tài trợ cho các chương trình học tập và nghiên cứu.
  • Tài nguyên thiên nhiên và nông nghiệp – như quản lý rừng, đất, hỗ trợ nông dân.
  • Nghiên cứu khoa học và y tế – bao gồm nghiên cứu về bệnh tật, vắc-xin,...
  • Thực thi pháp luật (law enforcement) – như FBI, Bộ Tư pháp,...

Cấp bằng và địa phương (State and Local level)

Ở cấp tiểu bang và địa phương, thuế được dùng để vận hành các dịch vụ gần gũi với đời sống hàng ngày hơn:

  • Chương trình phúc lợi công: Hỗ trợ người có thu nhập thấp hoặc người dễ bị tổn thương.
  • Giáo dục phổ thông: Tài trợ cho trường tiểu học và trung học công lập.
  • Y tế và bệnh viện địa phương: Hỗ trợ hoạt động của các bệnh viện công và chương trình y tế cộng đồng.
  • Giáo dục đại học: Góp phần chi trả cho các trường cao đẳng và đại học công lập.
  • Đường cao tốc và đường bộ: Trùng tu, nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.
  • Thực thi pháp luật: Cảnh sát địa phương, trại giam,...
    Cải tạo: Hệ thống nhà tù và chương trình phục hồi cho người phạm tội.
  • Nhà ở: Hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp.
  • Hệ thống tòa án: Vận hành toà án địa phương, đảm bảo công lý.

Ngày Khai Thuế Ở Mỹ 2025

Đối với năm thuế 2024, hạn chót để khai thuế ở Mỹ 2025 là Thứ Ba, tháng 4 ngày 15 năm 2025. Đây là thời điểm cuối cùng mà hầu hết người nộp thuế ở Mỹ cần nộp hồ sơ thuế thu nhập (income tax) cho Sở Thuế vụ (IRS).

Nếu bạn cần thêm thời gian, có thể nộp đơn xin gia hạn nộp hồ sơ (tax extension), cho phép bạn kéo dài thời gian khai thuế đến tháng 10 ngày 15 năm 2025. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc gia hạn chỉ áp dụng cho việc nộp hồ sơ, không áp dụng cho việc nộp tiền thuế.

Nói cách khác, dù bạn đã xin gia hạn khai thuế, bạn vẫn phải ước tính và nộp trước số tiền thuế dự kiến (estimated tax) trước hạn chót ban đầu là 04/15/2025. Nếu không nộp đúng hạn, bạn có thể bị phạt vì nộp chậm, kể cả khi hồ sơ thuế được nộp sau đó đúng quy định.

Vì vậy, để tránh bị phạt và đảm bảo tuân thủ luật thuế ở Mỹ, hãy chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thanh toán phần thuế dự kiến trước ngày khai thuế ở Mỹ 2025 – tức tháng 4 ngày 15 năm 2025.

Ngày khai thuế ở Mỹ 2025 theo từng quý. Nguồn: Acuity.co

Hướng Dẫn Khai Thuế Ở Mỹ

Bước 1: Xác định xem bạn có cần khai thuế ở Mỹ hay không

Dù bạn là người lần đầu tự khai thuế ở Mỹ hay đã quen với quy trình này, thì việc bắt đầu vẫn có thể khiến bạn cảm thấy rối rắm. 

Có thể bạn đang băn khoăn: “Liệu mình có cần nộp thuế không?” hay “Nên tự làm, dùng phần mềm, hay thuê chuyên gia khai thuế (tax professional)?”

Trước khi đi sâu vào bước đầu tiên trong quá trình học cách khai thuế ở Mỹ mà bạn không nên bỏ qua, bạn cần xác định xem mình có bắt buộc phải nộp tờ khai thuế (tax return) hay không.

Việc bạn có phải nộp thuế hay không phụ thuộc vào một vài yếu tố sau:

  • Tổng thu nhập trong năm
  • Tình trạng khai thuế (filing status) – như độc thân, kết hôn khai chung, chủ hộ,...
  • Độ tuổi của bạn
  • Và đặc biệt: Có ai khác đang khai bạn là người phụ thuộc (dependent) hay không

Ngay cả khi bạn không bắt buộc khai thuế, vẫn nên cân nhắc nộp hồ sơ. Vì sao?

Bạn có thể đủ điều kiện để nhận lại tiền thông qua các khoản tín dụng thuế (tax credits), ngay cả khi thu nhập thấp. Một số ví dụ điển hình:

  • Tín dụng thuế thu nhập kiếm được (Earned Income Tax Credit) dành cho người thu nhập thấp
  • Tín dụng thuế trẻ em (Child Tax Credit) nếu bạn có con dưới 17 tuổi

Nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau, bạn nên nghiêm túc cân nhắc việc khai thuế ở Mỹ, vì khả năng cao bạn sẽ được hoàn thuế:

  • Bạn đủ điều kiện nhận các khoản tín dụng thuế hoàn lại (refundable tax credits)
  • Bạn đã bị khấu trừ thuế thu nhập từ tiền lương (withholding) trong suốt năm
  • Bạn đã nộp thuế tạm tính (estimated taxes) hoặc chuyển số tiền hoàn thuế từ năm 2023 sang năm 2024

Bước 2: Lưu ý về hạn chót và ngày nộp thuế ở Mỹ

Khi tìm hiểu cách khai thuế ở Mỹ, một trong những điều đầu tiên bạn cần biết là hạn chót nộp thuế là khi nào. Đối với hầu hết người nộp thuế, ngày khai thuế ở Mỹ 2025 là Thứ Ba, ngày 15 tháng 4 năm 2025. Đây là hạn cuối để nộp hồ sơ khai thuế cho năm tài chính 2024.

Bạn có thể bắt đầu nộp hồ sơ khai thuế ở Mỹ từ ngày 27 tháng 1 năm 2025, khi Sở Thuế vụ (IRS) chính thức mở hệ thống tiếp nhận hồ sơ. Việc nộp sớm giúp bạn nhận tiền hoàn thuế nhanh hơn nếu đủ điều kiện.

Nếu bạn cần thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ, bạn có thể nộp đơn xin gia hạn (tax extension), cho phép nộp hồ sơ muộn hơn, đến ngày 15 tháng 10 năm 2025. Tuy nhiên, lưu ý rằng việc gia hạn chỉ áp dụng cho hồ sơ, không áp dụng cho việc nộp tiền thuế. Điều đó có nghĩa là bạn vẫn phải ước tính và thanh toán số tiền thuế cần nộp trước ngày 15/4, nếu không bạn sẽ bị tính phí phạt và lãi suất vì nộp chậm.

Ngoài thuế liên bang, một số bang cũng yêu cầu bạn khai thuế tiểu bang. Hạn chót có thể giống hoặc khác với hạn nộp thuế liên bang, tùy theo quy định của từng bang.

Nếu bạn không nộp thuế đúng hạn và bạn còn nợ thuế, bạn có thể bị:

  • Phạt vì nộp trễ (late filing penalty)
  • Phạt vì thanh toán trễ (late payment penalty)
  • Bị tính lãi suất cho số tiền chưa thanh toán

Ngược lại, nếu bạn được hoàn thuế (tax refund) và không nộp đúng hạn, bạn thường không bị phạt, nhưng bạn vẫn nên nộp để nhận lại khoản hoàn này.

Vì vậy, nếu bạn đang học khai thuế ở Mỹ hoặc lần đầu tự khai, hãy ghi nhớ rõ ngày khai thuế ở Mỹ 2025, chuẩn bị sẵn hồ sơ, và đảm bảo thanh toán đúng thời hạn. Điều này không chỉ giúp bạn tránh bị phạt mà còn giúp bạn nhận lại tiền hoàn thuế nhanh chóng nếu có.

Bước 3: Chọn cách khai thuế ở Mỹ phù hợp với bạn

Khi bắt đầu khai thuế ở Mỹ, một bước quan trọng là chọn cách nộp hồ sơ thuế (tax return) phù hợp với tình hình cá nhân và mức độ phức tạp của tài chính của bạn.

Dưới đây là 3 cách phổ biến nhất để nộp thuế tại Mỹ:

Cách 1: Tự điền biểu mẫu IRS 1040 bằng tay và gửi qua bưu điện

Cách này hiện nay ít được khuyến khích, vì dễ xảy ra sai sót và mất nhiều thời gian hơn trong quá trình xử lý hồ sơ.

Forrm IRS-1040 năm 2025. Nguồn: Teach Me! Personal Finance

Cách 2: Nộp thuế trực tuyến bằng phần mềm thuế (tax software)

Đây là lựa chọn phổ biến và tiện lợi nhất hiện nay. Nếu bạn đã từng dùng phần mềm thuế, bạn sẽ quen với việc trả lời các câu hỏi liên quan đến thu nhập, chi phí và đời sống cá nhân để hệ thống tự động điền vào biểu mẫu cần thiết cho bạn.

  • Nếu thu nhập của bạn nằm trong mức cho phép, bạn có thể đủ điều kiện sử dụng chương trình IRS Free File – cung cấp phần mềm khai thuế miễn phí từ các thương hiệu uy tín.
  • Nếu bạn không đủ điều kiện sử dụng Free File, vẫn có nhiều phần mềm thuế khác như TurboTax, H&R Block, TaxAct,... Dù vậy, chi phí thường sẽ phụ thuộc vào độ phức tạp của hồ sơ và mức hỗ trợ bạn cần.

Nhiều phần mềm cũng hỗ trợ bạn kết nối với chuyên gia thuế nếu muốn tư vấn hoặc kiểm tra lại hồ sơ trước khi gửi.

Cách 3: Thuê chuyên gia thuế hoặc người chuẩn bị hồ sơ thuế (tax preparer)

Nếu bạn cảm thấy quy trình khai thuế ở Mỹ quá phức tạp, hoặc bạn có thu nhập từ kinh doanh, đầu tư, hoặc nhiều nguồn khác nhau – thì việc nhờ đến CPA (Certified Public Accountant) hoặc chuyên viên khai thuế là lựa chọn hợp lý.

  • Họ có thể giúp bạn hiểu rõ các biểu mẫu, tận dụng tối đa các khoản khấu trừ và tín dụng thuế.
  • Bạn không cần gặp trực tiếp – hiện nay nhiều chuyên viên hỗ trợ qua cổng thông tin bảo mật (secure portal). Bạn chỉ cần tải lên hình ảnh hoặc tệp PDF của các giấy tờ cần thiết để khai thuế ở Mỹ, như W-2, 1099, biên lai khấu trừ (tax deduction certificate), v.v. Họ sẽ xử lý và gửi lại hồ sơ hoàn chỉnh cho bạn.

Bước 4: Khai thuế ở Mỹ cần giấy tờ gì?

Dù bạn tự nộp thuế hay thuê chuyên gia hỗ trợ, bạn vẫn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ khai thuế ở Mỹ để đảm bảo hồ sơ chính xác và tránh bị chậm trễ. Đây là bước rất quan trọng trong quá trình học khai thuế ở Mỹ mà bạn không nên bỏ qua.

Mục tiêu của bước này là thu thập các giấy tờ chứng minh thu nhập, các khoản chi có thể khấu trừ thuế (deductions), hoặc có thể giúp bạn nhận lại tiền thông qua tín dụng thuế (tax credits). Ngoài ra, bạn cũng cần giấy tờ chứng minh các khoản thuế đã nộp trong năm.

Dưới đây là danh sách rút gọn những giấy tờ bạn cần chuẩn bị:

  • Số An sinh xã hội (Social Security Number) của bạn, vợ/chồng và người phụ thuộc (nếu có).
  • Biểu mẫu W-2: từ mỗi công việc bạn đã làm, cho biết tổng thu nhập và thuế đã bị khấu trừ.
  • Biểu mẫu 1099: dùng cho thu nhập không phải từ công việc làm thuê, như freelance, đầu tư, tiền lãi,...
  • Giấy tờ về đóng góp vào tài khoản hưu trí (retirement contributions).
  • Thông tin về thuế tài sản (property tax) và lãi suất thế chấp (mortgage interest).
  • Biên nhận quyên góp từ thiện (charitable donations).
  • Thông tin về thuế tiểu bang và địa phương đã nộp trong năm.
    Hóa đơn học phí và chi phí giáo dục (education expenses).
  • Chi phí y tế chưa được hoàn trả (unreimbursed medical bills).
  • Bản sao tờ khai thuế liên bang và tiểu bang năm 2023 (nếu có) – để đối chiếu hoặc tham khảo.

Vì vậy, nếu bạn đang học khai thuế ở Mỹ hoặc lần đầu tự khai, hãy ghi nhớ rõ ngày khai thuế ở Mỹ 2025, chuẩn bị sẵn hồ sơ, và đảm bảo thanh toán đúng thời hạn. Điều này không chỉ giúp bạn tránh bị phạt mà còn giúp bạn nhận lại tiền hoàn thuế nhanh chóng nếu có.

Bước 5: Khai thuế ở Mỹ với IRS 

Khi bạn đã hoàn tất hồ sơ khai thuế, bước tiếp theo là xử lý phần tài chính với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (IRS). Tùy vào tình huống cá nhân, bạn sẽ hoặc phải nộp thêm thuế, hoặc được hoàn lại tiền thuế. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể.

Nếu bạn nợ thuế

Sau khi khai thuế, nếu bạn thấy mình còn nợ thuế liên bang, bạn có nhiều cách để thanh toán cho IRS. Bao gồm:

  • Thanh toán trực tuyến (electronic payment)
  • Chuyển khoản ngân hàng (bank transfer)
  • Dùng thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng (debit/credit card)
  • Gửi check
    Thanh toán bằng tiền mặt tại một số địa điểm được chấp nhận

Nếu bạn không thể trả hết toàn bộ một lúc, bạn có thể đăng ký kế hoạch thanh toán của IRS (IRS payment plan). Có hai loại:

  • Kế hoạch ngắn hạn (short-term): thường áp dụng cho khoản nợ nhỏ và được trả trong vòng 180 ngày.
  • Kế hoạch dài hạn (long-term): cho phép bạn trả góp hàng tháng trong thời gian dài hơn.

Dù theo cách nào, bạn cũng sẽ thực hiện các khoản thanh toán hàng tháng cho đến khi trả xong toàn bộ số thuế nợ.

Nếu bạn được hoàn thuế

Ngược lại, nếu bạn được hoàn lại thuế (tax refund), bạn có thể thực hiện một số bước đơn giản để nhận tiền nhanh nhất:

  • Nộp thuế online (e-file) thay vì nộp hồ sơ giấy. IRS thường mất 4 tuần hoặc lâu hơn để xử lý hồ sơ giấy, nhưng chỉ khoảng 3 tuần nếu bạn nộp điện tử.
  • Yêu cầu hoàn tiền qua hình thức chuyển khoản trực tiếp (direct deposit) vào tài khoản ngân hàng của bạn thay vì nhận séc giấy. Đây là cách an toàn và nhanh chóng nhất.

Theo dõi tình trạng hoàn thuế (track your refund) trên trang web chính thức của IRS hoặc cơ quan thuế tiểu bang, để biết khi nào tiền sẽ được gửi về tài khoản của bạn.